Tin tức
sự kiện

10 năm với nghề giáo, 10 năm với đam mê

28/01/2023

Có thể thấy ngày nay, bên cạnh khái niệm literacy – khả năng đọc và viết, thế hệ học sinh cần phải thông thạo một kỹ năng mới – đó chính là năng lực công nghệ số

Hai con đường – một sứ mệnh

Những năm đầu thế kỷ 21 là thời gian đầy thú vị đối với những người say mê hoặc đơn giản là quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ: Internet bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, những chiếc máy vi tính dần trở nên phổ biến… Mặc dù chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính trước đó, nhưng câu chuyện về chiếc máy kỳ diệu qua lời kể của người anh họ đã thôi thúc sự tò mò và khiến cô Thanh Huyền khát khao được tìm hiểu. Năm 1999, cô Thanh Huyền đăng ký thi vào ngành Công nghệ thông tin (Đại học Kinh tế Quốc dân) – một ngành được mọi người quan niệm vốn chỉ dành cho phái mạnh.

Càng học tập, nghiên cứu, cô Thanh Huyền càng có niềm đam mê bất tận với những dòng code và ước mơ được trở thành lập trình viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, như nhiều người trẻ khác, dưới định hướng của gia đình vốn có truyền thống theo nghề giáo, cô Thanh Huyền quyết định lựa chọn trau dồi thêm nghiệp vụ sư phạm tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học máy tính, cô chính thức trở thành giảng viên Đại học. Đó là một bước ngoặt quan trọng sang sự nghiệp giáo dục của cô giáo trẻ.

“Từ bỏ những kinh nghiệm vốn có để trở thành một tân binh đầy bỡ ngỡ trong một môi trường mới mẻ là điều không dễ dàng. Nhưng chuyển nghề không có nghĩa là thay đổi mục tiêu cuộc đời. Hai ngành khác nhau hoàn toàn: lập trình viên làm việc với máy tính, giáo viên làm việc với con người, song về bản chất cả hai đều là diễn đạt, chuyển hóa ý tưởng từ vô hình thành hữu hình: đối với lập trình viên là chương trình, ứng dụng; đối với giáo viên là kiến thức và kỹ năng của học sinh. Hai công việc tưởng như khác nhau nhưng đều giống nhau về đích đến: tạo nên “sản phẩm” thông qua việc truyền tải thông tin”.


Cô Thanh Huyền đã có quyết định táo bạo: chuyển đổi nơi công tác, dù khi đó số lượng học sinh của trường còn khá ít

10 năm đồng hành và trưởng thành tại Greenfield School

Khi đang công tác tại một trường Cao đẳng, cô Thanh Huyền biết đến Greenfield School qua một người đồng nghiệp. Từ câu chuyện kể về môi trường sống, không gian trong lành và định hướng phát triển của trường trong thời gian tới, cô Thanh Huyền đã có quyết định táo bạo: chuyển đổi nơi công tác, dù khi đó số lượng học sinh của trường còn khá ít và cơ sở vật chất chưa hoàn thiện.

“Những ngày đầu tiên làm việc ở ngôi trường mới là những trải nghiệm khó quên trong đời. Trường mới thành lập, chỉ vỏn vẹn có 4 tòa nhà A, B, C, D, hơn 300 học sinh và gần 70 cán bộ, nhân viên. Đường đến trường cũng không thuận tiện như bây giờ, mỗi ngày đều phải di chuyển cả đi cả về hơn 40km trên đoạn đường gập ghềnh, nhiều sỏi đá. 8, 9h tối mới về đến nhà là chuyện như cơm bữa nhưng tất cả ai cũng tràn đầy tinh thần tích cực, xây dựng và vun vén.

Những năm đầu thành lập, trường chưa có nhiều Bộ phận, Phòng Ban nên các thầy cô kiêm nhiệm thêm nhiều hoạt động ngoài công việc chuyên môn. Rất nhiều việc cần giải quyết, từ việc biên soạn quy chuẩn giáo án đến việc đào tạo, phỏng vấn giáo viên, hỗ trợ các cô bán trú chăm sóc học sinh… Ngày ấy, bộ môn Tin học cơ cấu nằm trong Tổ Năng khiếu, bên cạnh các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể chất. Mình và các thầy cô Tổ Năng khiếu đảm nhiệm lên kế hoạch tổ chức các chương trình cho các con học sinh: Âm nhạc phụ trách văn nghệ, Mỹ thuật phụ trách trang trí, Tin học phụ trách thư ký và tổng kết tiết mục. Mặc dù mỗi cá nhân trong Tổ đều mang một màu sắc, quan điểm riêng nhưng nhờ sự hợp lực, đoàn kết, nhìn các con được vui đùa, những nụ cười của các phụ huynh khi thấy con tỏa sáng trên sân khấu sau mỗi sự kiện thì đó là nguồn động lực của tất cả mọi người”.

Cũng vì vậy mà 10 năm công tác tại trường với cô Thanh Huyền là vô vàn kỷ niệm đáng nhớ khi mọi người làm việc cùng nhau. Đến nay, nhìn lại quãng đường đã đi qua, với cô Thanh Huyền Greenfield School đã thực sự là nơi mang đến cho cô một lý tưởng nghề nghiệp, giúp cô nhận ra ước mơ cô đang kiếm tìm.

“Greenfield School mang tới cho mình nhiều cơ hội để thử thách, phát triển bản thân: được đào tạo, dẫn dắt bởi những người lãnh đạo; được học hỏi từ những người đồng nghiệp giàu tâm huyết; được trao cơ hội để thể hiện bản thân. Đó là điều mà không phải trường học nào cũng có thể làm được. Với mình, Greenfield School là một thời thanh xuân nhiệt huyết nhất, nơi chứng kiến sự trưởng thành và đóng góp lớn trong sự trưởng thành cả về con người lẫn công việc của mình”.

Bạn cần hỗ trợ?

HÃY ĐỂ GREENFIELD
TƯ VẤN CHO BẠN